Giới thiệu


QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN QUẬN BÌNH THẠNH

Căn cứ Công văn số 4988/UBND-VX ngày 18 tháng 7 năm 2006 của UBND thành phố về tổ chức tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc UBND quận – huyện.
Thực hiện Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2007 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc thành lập Bệnh viện quận Bình Thạnh trực thuộc UBND quận Bình Thạnh, bệnh viện Bình Thạnh được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Trung tâm y tế quận Bình Thạnh trước đây.
Ngày 11 tháng 4 năm 2007, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện quận Bình Thạnh.
Sau khi thành lập, Bệnh viện không ngừng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm nâng cao nghiệp vụ khám chữa bệnh và được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận Bệnh viện hạng III theo Quyết định số 3482/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2008. Từ đó Bệnh viện Bình Thạnh bắt đầu bước vào giai đoạn mới, hoạt động với mô hình bệnh viện hạng III và thực hiện theo đúng quy chế bệnh viện. 
1. Chức năng, nhiệm vụ:
-         Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.
-         Đào tạo cán bộ y tế.
-         Nghiên cứu khoa học về y học.
-         Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật.
-         Phòng bệnh.
-         Hợp tác quốc tế.
-         Quản lý kinh tế y tế.
2. Cơ cấu tổ chức: 

3. Nhân sự:
Bệnh viện từng bước kiện toàn cơ cấu, đến nay chất lượng, trình độ chuyên môn, quản lý, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ cán bộ, viên chức ngày càng nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Hiện nay, Bệnh viện có 252 cán bộ y tế tham gia công tác, với 55 bác sĩ, 22 dược sĩ, trong đó có 2 DSĐH, 121 điều dưỡng, 6 hộ sinh, 14 kỹ thuật viên và 34 cán bộ khác.
Trình độ Ban giám đốc: chuyên môn: giám đốc trình độ chuyên khoa cấp 2,  01 phó giám đốc trình độ chuyên khoa cấp 2 và 01 phó giám độc trình độ chuyên khoa cấp 1; 100% quản lý hành chánh, 100% ngoại ngữ C; 100% cử nhân, cao cấp, trung cấp chính trị.
Trình độ các bác sĩ, dược sĩ trưởng các khoa phòng: chuyên môn: 75% sau đại học; 100% quản lý Nhà nước, 100% ngoại ngữ B trở lên.
Trình độ các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh trưởng các khoa phòng: chuyên môn 75% đại học, 100% quản lý chăm sóc, 100% ngoại ngữ B.
Hiện Bệnh viện có 40% bác sĩ trình đạt trình độ sau đại học, 20% bác sĩ đạt trình độ sơ bộ, định hướng các chuyên khoa; có 17% điều dưỡng, kỹ thuật viên đạt trình độ đại học; 100% cán bộ, viên chức toàn Bệnh viện đạt trình độ ngoại ngữ B trở lên.
4. Cơ sở vật chất:
Bệnh viên có 2 cơ sở: 
  • Cơ sở chính tại số 112 A-B Đinh Tiên Hoàng, phường 1, quận Bình Thạnh
  • Phòng khám đa khoa (cơ sở 2) tại số 52 Nguyễn văn Lạc, phường 19, quận Bình Thạnh.
Các khoa phòng, khu khám tại 2 cơ sở được cải tạo ngày càng khang trang.
Nâng cấp 05 phòng mổ, phòng hồi tỉnh, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc. Mở rộng khoa Khám bệnh, thành lập các khoa chuyên ngành.
Hiện nay, Bệnh viện đang hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng khu xử lý nước thải. Cuối năm 2014 Bệnh viện đã khởi công xây dựng khu B tại cơ sở chính với quy mô 420m2 gồm 1 bán hầm, 1 tầng trệt và 3 tầng lầu.
5. Trang thiết bị y tế và văn phòng:
Ngoài những trang thiết bị còn lại sau khi chia tách TTYT quận thành bệnh viện Bình Thạnh và TTYTDP quận Bình Thạnh, từ năm 2007 Bệnh viện đã không ngừng hoàn thiện các cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh:
·           Trang bị tivi, đầu đĩa phục vụ công tác truyền thông.
·        Bệnh viện đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị y tế bằng các nguồn kinh phí như: quỹ phát triển sự nghiệp, xã hội hóa, vốn vay kích cầu và ngân sách: 23 máy lọc thận; máy chụp Xquang kỹ thuật số; máy chụp CT-Scan; máy xét nghiệm tự động (sinh hóa, miễn dịch, huyết học, ký sinh trùng…); máy Phaco; máy siêu âm 3D - 4D; máy đo loãng xương; máy SpO2 ; Monitor; máy đo ECG; máy hút dịch; máy bơm tiêm tự động; máy Laser quang châm, máy nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng; máy gây mê... Do vậy bệnh viện phát triển nhiều danh mục kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, xét nghiệm. Trong đó có cả các danh mục kỹ thuật của bệnh viện hạng II như: chạy thận nhân tạo, mổ mắt Phaco...
6.  Những hoạt động nổi bật sau khi thành lập bệnh viện:
Trong thời gian qua, ngoài việc thực hiện các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, Bệnh viện cũng đã đăng ký và được Sở y tế đồng ý cho triển khai thêm những kỹ thuật vượt tuyến như: chạy thận nhân tạo, mổ mắt Phaco, nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, siêu âm màu Doppler tim, mạch máu và các xét nghiệm mới. Bệnh viện đã cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về các kỹ thuật trên để thực hiện tại chỗ cũng như hợp tác với bệnh viện tuyến trên (BV Nhân Dân Gia Định, BV Nhi đồng 2, BV Ung bướu...) trong việc chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã hỗ trợ với Trung tâm y tế dự phòng quận Bình Thạnh triển khai các điểm khám BHYT tại các trạm y tế phường 11, 21, 24 và cử cán bộ luân phiên khám chữa bệnh tại trạm y tế phường 21.
Căn cứ theo tình hình khám chữa bệnh tại bệnh viện Bình Thạnh, Bệnh viện đã đăng ký với Sở Y tế 100 giường kế hoạch (so với năm 2007 là 50 giường). Số lượng khám bệnh ngoại trú ngày càng tăng. Hằng năm Bệnh viện đều tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học với tổng số 15 đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu và các sáng kiến cải tiến được đưa vào ứng dụng trong quá trình hoạt động.
Ngoài việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, từ tháng 6 năm 2007 Bệnh viện đã bắt đầu đi dần vào chuyên nghiệp hóa, cảicách thủ tục hành chánh bằng việc triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện. Để triển khai hệ thống phần mềm này, Bệnh viện đã trang bị hệ thống máy vi tính và máy in đế từng khoa phòng. Phần mềm này giúp Bệnh viện quản lý tốt những bệnh nhân đến khám và điều trị tại các khoa của bệnh viện. Những thông tin liên quan đến bệnh nhân (về hành chánh, quá trình điều trị…) sẽ được quản lý bằng hệ thống phần mềm, hệ thống bệnh án điện tử.
Bệnh viện thực hiện cơ chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ), Bệnh viện đã chủ động phát triển nhiều mô hình khám chữa bệnh để người bệnh tự chọn lựa vừa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh đồng thời nâng cao đời sống cán bộ viên chức. Chính nguồn thu nhập ổn định, cán bộ viên chức an tâm làm việc, học tập nâng cao trình độ và gắn bó lâu dài với Bệnh viện.
Tất cả những thành quả đạt được hôm nay phần lớn do sự chỉ đạo chuyên môn của Sở y tế, chỉ đạo xuyên suốt về chủ trương của Thường trực Ủy ban và nỗ lực của cán bộ viên chức toàn Bệnh viện.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, Bệnh viện gặp không ít khó khăn:
-       Chuyển đổi từ mô hình của Trung tâm y tế sang Bệnh viện: cơ sở vật chất chưa phù hợp với công năng Bệnh viện, cơ sở hạ tầng liên tục xuống cấp. Bệnh viện phải thường xuyên sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.
-       Tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng do BHYT toàn dân phân cấp về bệnh viện tuyến quận, huyện.
-       Trang thiết bị chưa đáp ứng được với sự phát triển y học, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
-       Đội ngũ chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) phải luân phiên vừa học, vừa làm để sử dụng thành thạo các máy móc, trang thiết bị.
-       Chính sách viện phí “cũ kỹ” ảnh hưởng đến đầu tư nâng cấp của Bệnh viện và đời sống của cán bộ viên chức.
       Tóm lại, sau khi thành lập, Bệnh viện Bình Thạnh đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hoàn thành tốt những chức năng, nhiệm vụ đã được giao và luôn cố gắng phấn đấu để đạt được danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, “Bệnh viện văn minh y đức” và định hướng  phát triển trở thành Bệnh viện hạng II toàn diện.